MỐI LIÊN HỆ CỦA TĂNG TRƯỞNG TÔM VÀ NHIỆT ĐỘ?

20/02/2024

Đối với tôm thẻ chân trắng, các chỉ tiêu chất lượng nước đều rất quan trọng. Mỗi thay đổi dù lớn hay nhỏ đều làm tôm có những phản ứng tiêu cực. Tôm thẻ chân trắng thích hợp với nhiệt độ 23-30oC tối ưu là 28-30oC. Tuy nhiên, tôm nhỏ (1gr) lớn nhanh hơn trong nước ấm (30oC), tôm lớn (12-18gr) lớn nhanh nhất ở nhiệt độ nước 27oC. Khi nhiệt độ thấp hơn 15oC hoặc cao hơn 33oC trong 24 giờ hoặc lâu hơn, tôm sẽ chết. Tôm bị ngạt khi nhiệt độ từ 15-22oC và 30-33oC.

Nội dung chính

1.Nhiệt độ quan trọng đối với tăng trưởng tôm thế nào?

Tôm là động vật biến nhiệt tức là nhiệt độ cơ thể nó phụ thuộc vào nhiệt độ của môi trường. Nhiệt độ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng và trao đổi chất của tôm, vì hầu như mọi hoạt động trao đổi chất đều nhờ vào sự xúc tác của enzyme, mà enzyme hoạt động như thế nào lại do nhiệt độ quyết định. Nhờ vậy, không chỉ quyết định sự tăng trưởng mà nhiệt độ còn ảnh hưởng đến khả năng kháng bệnh, sức sinh sản, tỷ lệ sống và độ hòa tan của không khí vào nước, đồng thời còn ảnh hưởng đến độ độc của một số hợp chất trong nước.

 

Khả năng thích nghi của tôm đối với nhiệt độ phụ thuộc vào sự di truyền, thời gian của quá trình thích nghi và giai đoạn sống của chúng. Mỗi loài khác nhau sẽ có những khoảng nhiệt độ tối ưu khác nhau, khi nhiệt độ thay đổi trên hoặc dưới khoảng này đều có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tôm nuôi. Hơn nửa nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của tảo, các loài thủy sinh động thực vật, và sự tồn tại của các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây hại cho tôm.

Xem thêm >>> BỆNH KÝ SINH TRÙNG Ở TÔM VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

2. Nhiệt độ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng thức ăn 

Khi gặp điều kiện thời tiết thay đổi – đặc biệt là nhiệt độ tăng lên sẽ thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể vật nuôi tăng cao. Theo đó, vật nuôi phải tăng cường hô hấp để cung cấp oxy, chúng sử dụng thức ăn nhiều hơn, quá trình tiêu hóa cũng nhanh hơn. Tuy nhiên, sự tiêu hóa thức ăn nhiều như vậy trong khi lượng men tiêu hóa trong cơ thể tôm lại có hạn nên sẽ khó có thể hấp thụ được chất dinh dưỡng trong thức ăn như ở nhiệt độ bình thường; Đồng nghĩa là sẽ tiêu tốn nhiều thức ăn mà hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, lượng thức ăn sau khi tiêu hóa được tôm cá thải ra, gặp nhiệt độ cao quá trình phân hủy sẽ xảy ra nhanh, tiêu tốn nhiều oxy gây thiếu oxy cục bộ ở tầng đáy, đồng thời sinh ra nhiều khí độc (H2S) và vi khuẩn gây bệnh. 

Khi nhiệt độ tăng cao vượt quá giới hạn (trên 32oC) sẽ gây stress cho tôm, khiến chúng phải tiêu tốn nhiều năng lượng cho quá trình hô hấp, cơ thể sẽ khó thích nghi được với môi trường mới; Từ đó, dẫn đến sức đề kháng giảm và có nguy cơ bị các vi khuẩn, virus thường trực trong nước tấn công gây bệnh. Mặt khác, khi nhiệt độ hạ thấp (gió mùa, mưa), quá trình trao đổi chất của tôm sẽ giảm, dẫn đến sức ăn cũng giảm theo, kéo dài thời gian lột xác của tôm. Khi nhiệt độ xuống thấp quá ngưỡng giới hạn, một số loài có sức đề kháng kém sẽ bỏ ăn và chết, đặc biệt là tôm giai đoạn còn nhỏ (ương giống, tôm post). Nếu nhiệt độ hạ thấp kéo dài, tôm sẽ có xu hướng di chuyển xuống đáy để tránh rét, nguy cơ tiếp xúc với khí độc và nấm sẽ rất cao. Theo đặc tính của loài, tôm chỉ có thể sử dụng và hấp thụ thức ăn hiệu quả nhất khi sống trong ngưỡng nhiệt độ phù hợp, vì vậy, trong quá trình nuôi người dân cần có những biện pháp thích hợp để mang lại hiệu quả cao.

 

3. Nhiệt độ làm tôm bị đục cơ 

Hiện tượng này xảy ra khi nhấc nhá (sàng, vó) lên khỏi mặt nước để kiểm tra sức ăn của tôm (vào ban ngày). Tôm trong nhá sẽ nhảy lên búng mạnh, gặp nhiệt độ cao, một số con bị cong thân. Đuôi uốn cong chạm đến phần giáp ngực, phần cơ chạy dọc cơ thể sẽ trở nên trắng đục. Khi thả tôm lại ao, số lượng tôm cong thân sẽ chết vì không tự duỗi thẳng lại được. Tương tự, khi sử dụng chài tôm kiểm tra lúc nắng nóng, lượng tôm đục cơ và cong thân cũng xảy ra nhiều. Biện pháp để hạn chế hiện tượng này là không sử dụng nhá, vó để kiểm tra tôm trong ao khi thời tiết nắng nóng.
Hiện tượng tôm cong thân cũng thường xảy ra khi người nuôi tắt tất cả quạt khí rồi sau đó bật quạt chạy trở lại làm tôm bị “giật mình”, nhiều con sẽ nhảy lên mặt nước tạo thành “làn sóng” chạy dọc theo ao. Một số tôm khi nhảy lên mặt nước sẽ bị cong thân khi tiếp xúc không khí và chuyển sang trắng cơ. Hiện tượng này thường xảy ra vào nửa đêm khi tôm đạt kích cỡ 10 g/con trở lên. Do vậy người nuôi không chú ý đến hiện tượng này và đến ngày hôm sau mới phát hiện có tôm chết trong ao. Hiện tượng này thường xảy ra khi thời tiết có nhiệt độ cao và trong ao có tảo giáp phát triển. Mật độ tảo giáp cao làm nước có màu nâu đỏ và tôm yếu đi. Biện pháp hạn chế, người nuôi không nên tắt hết tất cả quạt khí vì bất cứ lý do gì mà nên duy trì hoạt động ít nhất một dàn quạt, kể cả khi cho tôm ăn.

4.Ảnh hưởng của nhiệt độ đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm thẻ chân trắng 

Nhiệt độ cao làm chất thải từ tôm bị phân hủy nhanh chóng, gây thiếu oxy cục bộ ở tầng đáy, đồng thời sinh ra khí H2S và nhiều vi khuẩn gây hại. Nếu ở mức nhiệt vượt quá giới hạn (trên 32 độ C), sẽ khiến tỷ lệ sống của tôm thấp vì chất lượng nước suy giảm và hàm lượng nitơ-amoniac và nitrit-nitơ cao. Bên cạnh đó, việc cắt giảm thức ăn của tôm khi ở  mức 33 độ C sẽ khiến chúng chậm phát triển. Vì thế bà con nên cho tôm ăn nhiều hơn để chúng phát triển bình thường.   

 

Xem thêm >>> TẦM QUAN TRỌNG CỦA ENZYME TRONG NUÔI TÔM

 

Cách quản lý nhiệt độ ao nuôi tôm hiệu quả

Nhiệt độ phù hợp trong ao nuôi ao tôm dao động từ 27 – 31 độ C trong khi ngày nắng nóng nhiệt độ có thể lên đến 33 độ C. Để hạn chế những tổn hại của sự thay đổi nhiệt độ đến tôm, bà con có thể áp dụng các biện pháp sau: 

  • Chạy quạt và oxy đáy liên tục để hạn chế sự phân tầng nhiệt độ. Đồng thời, nếu trời nắng gắt có thể sử dụng lưới che chắn bên trên để hạn chế ánh nắng chiếu trực tiếp xuống hồ. 
  • Để khắc phục tình trạng nhiệt độ và độ mặn tăng cao, bà con cần chủ động duy trì mực nước trong ao từ 1,2 – 1,5m. Ngoài ra bà con có thể xem các cách giảm độ mặn ao tôm khác.
  • Kiểm tra môi trường nước thường xuyên, nếu mực nước giảm và nước ao có màu đậm thì tiến hành cấp nước từ từ khoảng 20%- 30% lượng nước vào ao. Nên cấp lúc trời mát, qua ao lắng có xử lý. Khi thêm nước cần kết hợp sử dụng 10 – 15 kg/1.000 m3 vôi nông nghiệp (CaCO3), có thể lặp lại 2 – 3 lần cho đến khi nhiệt độ và các yếu tố môi trường nước đạt mức phù hợp. 
  • Luôn duy trì độ pH trong ao trong khoảng 7.5 – 8.5. Có thể thay nước hoặc bón vôi công nghiệp với định lượng từ 150 – 300 kg/ha để điều chỉnh trong trường hợp độ pH cao hơn hoặc thấp hơn mức tối ưu. 

Quản lý nhiệt độ ao nuôi khi nhiều mưa

Những cơn mưa gây nhiều hệ lụy đến ao nuôi tôm như nhiệt độ nước ao phân tầng, giảm độ pH và nồng độ ion trong nước,… Sự thay đổi nhiệt độ bất thường từ những cơn mưa khiến môi trường sống của tôm bị ảnh hưởng và tác động đến khả năng phát triển và sinh trưởng của tôm. Để hạn chế tác động của mưa đến ao tôm bà con cần thực hiện một số giải pháp sau:   

  • Trước khi trời mưa, bà con nên rải vôi xung quanh bờ ao với 15-20 kg/100m2. Bằng cách này, vôi sẽ hòa tan vào ao khi trời mưa và hỗ trợ duy trì độ pH, độ cứng và hàm lượng ion hòa tan ổn định trong nước. Đối với nuôi tôm ao bạt, có thể ủ vôi đánh trong mưa để hạn chế sự biến động của độ pH. 
  • Liên tục chạy quạt, oxy để hạn chế tình trạng phân tầng nhiệt độ, oxy,… Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống ống rút nước tầng mặt cũng là biện pháp hiệu quả để tránh hiện tượng phân tầng và biến đổi môi trường do nước mưa.
  • Nếu thời gian mưa lâu, cần giảm lượng thức ăn ít nhất 30% và tiếp tục giảm nếu nhiệt độ giảm. Sau mưa, bà con có thể tăng dần lượng thức ăn dựa theo sự tăng nhiệt độ. Tuy nhiên, phải đảm bảo độ pH và oxy hòa tan đã ổn định và phù hợp với tôm. 
  • Nước mưa có thể làm giảm độ mặn của nước đột ngột, do vậy, trước khi mưa bà con cần lấy nước có độ mặn thích hợp vào ao, để mực nước trong ao cao nhất nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của mưa đến độ mặn của nước. 

 

Trên đây là những cách giúp bà con quản lý nhiệt độ ao nuôi tôm hiệu quả. Hy vọng thông bài viết bà con sẽ có thêm nhiều cách hơn để kiểm soát tốt nhiệt độ và nuôi tôm đạt năng suất cao. Chúc bà con thành công.

—————————————————————-

Công ty TNHH Khoa Học Việt Đức tiên phong giới thiệu những xu hướng mới nhất đến người nuôi tôm tại Việt Nam bằng những sản phẩm tiên tiến, với công thức vượt trội độc quyền, có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Tầng 14, tòa nhà HM Town, 412 Nguyễn Thị Minh Khai – Phường 05 – Quận 3 – TP Hồ Chí Minh

0919 414 161 – 1900989852

Công ty TNHH Khoa Học Việt Đức

là một trong những công ty hàng đầu về lĩnh vực thuốc thủy sản tại Việt Nam. Với triết lý kinh doanh “Niềm Tin và Chất Lượng”, Công ty TNHH Khoa Học Việt Đức tự hào mang đến cho bà con nuôi trồng thủy sản những sản phẩm chất lượng cao, được nghiên cứu và sản xuất với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Đội ngũ kỹ sư nuôi trồng thủy sản có trình độ chuyên môn cao, nhiệt huyết, hết mình với công việc. Các sản phẩm và quy trình dành cho nuôi tôm nói riêng cũng như cho ngành thủy sản nói chung của Việt Đức luôn luôn vì mục tiêu ” BỀN VỮNG, GIẢM RỦI RO, CHI PHÍ THẤP “

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *